Nói về ẩm thực quê mình tôi vẫn hay đùa rằng đó là ẩm thực nước cà. Bởi vì có khá nhiều món ăn của xứ mình được chan thêm nước cà vào mà ở xứ khác thì đó gần như đó là điều xa lạ. Bánh mì chan nước cà, bánh hỏi cũng chan nước cà và đến xôi mặn cũng nước cà nốt. Đương nhiên đó là một trong những thứ đáng nhớ với tôi cùng với những thứ khác như ăn bún với bì, ăn hủ tíu khô với đường hay là ăn cháo với bánh hỏi hoặc bún. Xôi tới giờ vẫn làm món mà tôi có thể ăn mỗi ngày, do đó mà hồi nhỏ tôi gần như đã lân la gần hết các tiệm xôi trong chợ Cái Mơn.
Nói về xôi thì sẽ có hai loại là xôi ngọt và xôi mặn. Tôi thì thích xôi mặn hơn và số chổ bán xôi mặn cũng nhiều hơn nhưng tôi sẽ nói về xôi ngọt trước. Thú thiệt tôi không rành lắm về mấy chổ bán xôi ngọt trong chợ Cái Mơn, thời còn sống gần nhà thờ thì tôi chỉ ăn xôi ngọt đúng duy nhất một chổ trong nhà lồng chợ. Tôi giờ cũng không nhớ rõ trong nhà lồng chợ Cái Mơn có gì nửa. Tôi chỉ nhớ là nó giống như bao cái nhà lồng chợ quê khác. Có bán đồ ăn mặn lẫn đồ ăn ngọt, hình như còn bán cả chè, xen lẫn là những sạp vải và sạp quấn áo… Tôi chỉ nhớ mang máng như thế bởi vì tôi hầu như chẳng bao giờ mua gì ở trong nhà lồng ngoài xôi ngọt. Nói về chổ bán xôi ngọt thì đó một cái bàn thấp và mọi thứ từ xôi, đường, đậu phồng, dừa… đều được đặt lên đó và sạp đó tọa lạc ở ngay trung tâm của nhà lồng chợ. Để đi đến đó chỉ cần đi thẳng một mạch từ cổng chợ cá hoặc từ cổng khu ăn uống là đều có thể đến ngay sạp xôi. Nói về xôi thì xôi ở đây được gói trong lá chuối, kiểu một lá nhỏ một lá lớn thường thấy những năm đó. Xôi thì là xôi đậu và được phủ lên một lớp đậu xanh, một lớp cơm dừa và rắc lên một chút đường, mè, đậu phộng. Đương nhiên không thể thiếu nước cốt dừa, thứ sẽ phủ lên toàn bộ gói xôi. Giá một gói vậy là năm trăm đồng, tôi không nhớ rằng nó ngon thế nào chỉ nhớ rằng nó ăn cũng khá được và… no. Thú thiệt, no là một trong những lý do lớn nhất tôi ăn món đó, chỉ với năm trăm đồng là tôi có thể no bụng mà đi chơi bời cả ngày, số tiền còn lại thường tôi sẽ ném vô mấy tiệm điện tử. Lâu rồi tôi không đi chợ nên cũng không biết cái sạp xôi đó giờ ra sao rồi. Đó là xôi ngọt, còn xôi mặn thì sẽ lại là một vùng trời khác. Nói về xôi mặn quê mình thì tôi thấy thường có điểm chung như sau. Xôi trắng, trứng cắt sợi, thịt heo cắt sợi cực kì mảnh, có trứng cút, quết mỡ hành ngọt ngọt và chan nước cà, tùy mỗi chổ mà sẽ có ít nhiều biến tấu. Nhưng tựu chung lại thì vẫn sẽ luôn có trứng gà xắt sợi, trứng cút và nước cà. Thường thì xôi mặn loại này sẽ được để trong hộp xốp loại nhỏ và giá từ năm trăm đến một ngàn, hộp xôi một ngàn thường dài hơn hộp năm trăm một tí. Kiểu xôi mặn này thì thay vì một thì có ba chổ mà tôi hay mua. Chổ đầu tiên là ngay dốc cầu Fatima đoạn bên chợ. Cô đó bán ở ngay chổ ngã ba lúc vừa xuống dốc cầu luôn. Cũng giống như chổ xôi ngọt, chổ cô bán cũng chỉ là cái bàn nhựa và xôi được để sẵn trong hộp. Hộp thì chia ra làm hai loại là năm trăm và một ngàn, hộp một ngàn thì dài hơn hộp năm trăm một tí. Sáng nào đi bộ từ cầu chợ qua tới trường Vĩnh Thành A để học tôi cũng hay ghé đây mua xôi ăn. Ngoài xôi mặn thì cô còn bán cả xôi vị, tôi nhớ có mấy lần tôi ăn xôi vị ở đây cũng khá ngon. Nhưng lý do chính là vì lúc đó truyền hình chiếu một phim về làng hoa vạn thọ Cái Mơn. Trong phim đó có một bạn nữ đem xôi vị cho một bạn nam ăn, do đó mà tôi cũng ăn thử cho biết. Chổ thứ hai là ở đường đi từ cầu chợ vào trung tâm chợ, tôi nghĩ sẽ có nhiều người biết chổ đó vì chổ đó là tiệm sửa xe đạp trong chợ. Một chổ sửa xe thân quen với biết bao nhiêu đứa học trò xứ mình với hai cha con đảm nhận việc sửa xe. Trước tiệm sửa xe chính là tủ xôi của cô chủ tiệm. Khác với các chổ kia, chổ này xôi được để trong tủ kiếng và gọn gàng. Xôi ở đó cũng ngon và tôi cũng hay ăn ở đó. Một điều đặc biệt nửa tiệm xôi kế bên chổ bán truyện tranh trong chợ. Tôi chẳng nhớ nói bao nhiêu lần tôi đi chợ với má và nhìn thấy mấy cuốn Đô rê mon, Vua Trò Chơi hay Thần Đồng Đất Việt. Tôi thích lắm nhưng cũng chẳng dám xin. Tôi vẫn nhớ có một lần được mua cho một cuốn, đó là cuốn Dragon Ball tập mà Goku sau khi lớn tham gia đại hội võ thuật. Sở dĩ tôi nhớ rõ vì đó là tập truyện đầu tiên nhà xuất bản Kim Đồng quyết định sử dụng tên Dragon Ball thay vì Bảy Viên Ngọc Rồng. Mà bỏ qua chuyện truyện tranh một bên, tôi sẽ nói tới chổ bán xôi thứ ba. Chổ này thì khác một chút vì bán buổi chiều, độ sau hai giờ chiều làm bán. Chổ này tọa lạc ở ngã tư đoạn giao của đường đi xuống chợ cá và đường ra bưu điện. Chổ này thì xôi bán để trong một cái thau, trứng xắt sợi, thịt… được phủ ở trên. Mỗi lần bán chị chủ sẽ xắn xôi ra bỏ vào hộp và thêm các thứ còn lại lên, đương nhiên là chan nước cà. Tôi hồi xưa hay đi vào chợ chơi điện tử, mỗi lần bị cha bắt gặp tôi hay lấy cớ là ra chợ mua xôi chổ đó. Ngoài ba chổ trên thì vẫn còn một chổ bán xôi mặn nửa, chổ này thì hơi khác một chút. Tôi không nhớ rõ xôi này ở đâu, có lẻ là ở đoạn nhà sách và trầu cau ở khu ăn uống. Xôi ở đây thì được bọc bằng giấy báo, phũ một miếng ni lông dẹp lên để tránh xôi làm ướt giấy. Xôi được chế cực kì nhiều nước cà ăn chung với thịt gà và bì. Tôi vẫn còn nhớ là tôi chưa bao giờ tự mua xôi ở đó mà toàn được má mua cho, có lẻ nó mắc hơn mấy hàng xôi khác. Nhưng công nhận là nó ngon nhất, nước cà thấm vào xôi, bì có vị bùi bùi và thịt gà mềm. Tôi vẫn nhớ cái vị đó đến giờ. Nhưng sau khi lên cấp ba như những món khác, tôi bắt đầu ít ăn xôi ở chợ hơn. Thay vào đó tôi hay ăn xôi ở dốc cầu lò rèn hoặc ở gần cổng trường Trương Vĩnh Ký chổ đường vào sân banh.
Cứ thế đó, nhiều khi nhiều cái cần nhớ thì không nhớ nhưng mấy cái xôi với nước cà như vầy thì dù nhớ không kỹ cũng ráng moi móc ra. Khi ở Sài Gòn, nhiều khi thèm đồ ăn kiểu Cái Mơn như cháo ăn với bún mà tôi chạy xe từ cầu Bình Lợi về tận Quận 8 đoạn dốc cầu Chử Y vào sáng sớm để ăn. Hoặc là thèm bì bún thì ghé quán bún thịt nướng nào mà bán kèm cơm tấm thì dặn chủ tiệm làm tô bún bỏ thêm bì cơm tấm vào. Nhưng xôi như kiểu xôi quê mình thì khó kiếm thiệt, chổ có trứng thì không có nước cà, chổ có nước cà thì toàn chả lụa với chà bông. Tính ra cũng khó khăn quá chừng.