Đò dọc, đò ngang có lẻ là cái gì đó quá quen thuộc với tuổi thơ cũng như thời niên thiếu của những người thuộc thế hệ tôi. Dù rằng thời nhỏ tôi không được đi đò quá nhiều nhưng những chuyến đò vẫn là ký ức đáng trong một thời đã qua của tôi.
Nói đến đò thì ắt hẳn phải nhắc đến đò ngang và đò dọc. Đò ngang là loại lò chạy ngang sông, thường để đưa bà con đi qua lại hai bờ của một con sông. Hồi nhỏ tôi từng được đi cả đò loại nhỏ và loại to. Đò ngang loại nhỏ thì tuy gọi là đò thôi chứ thiệt ra đó chỉ là cái xuồng bé thôi. Hồi nhỏ để về nhà ngoại tôi thì phải đi qua một con sông, ở đó không có cầu mà chỉ có bến đò ngang của một bà cụ. Tôi nhớ rằng ở đó cũng không có một cái bến hẳn hoi nào, chỉ là vài thanh gỗ để lên đất sình. Người đi đò phải bò xuống rất cẩn thận để tránh bị té. Bà chèo đò những năm đó không biết đã bao tuổi, tôi chỉ nhớ bà cũng khá lớn tuổi rồi. Tôi không đếm được đã bao nhiêu bận tôi đi đò của bà để về nhà ngoại. Sau này cầu xây xong thì những chuyến đò ngang trên chiếc xuồng be bé của bà cũng dần nằm yên trong ký ức xưa cũ. Nơi đi đò ngang thứ hai mà tôi nhớ nhất là bến đò Phú Sơn, bến đò với một chiếc ghe có dáng như chiếc phà có thể chở luôn được xe cộ. Tôi đoán rằng ngoài tôi ra thì chắc hẳn khá nhiều thế hệ con người, học sinh ở Cái Mơn cũng đã có nhiều dịp đi chuyến đò này. Hồi nhỏ tôi có người cậu ở Phú Sơn nên thường hay được ra nhà cậu chơi. Để ra Phú Sơn thì lúc đó phải đi qua bến đò ngang. Ngoài ra sau này khi đi hái cau ở Phú Sơn tôi cũng phải đi qua bến đò đó. Ký ức của tôi về bến đò Phú Sơn đó là một bến đò lớn, đường lộ đất đỏ. Hai bên đầu bến có các tiệm tạp hóa của nhưng các quán nước. Người đi thì chủ yếu là bà con và học sinh. Sau này thì khi lớn lên tôi chưa có dịp ra thăm lại nhà cậu nên cũng chưa đi lại đò Phú Sơn. Nhưng có lẻ tôi cũng chẳng còn một cơ hội nào để đi nửa vì đò Phú Sơn giờ cũng theo biết bao bến đò ngang khác đi vào dĩ vãng khi mà giờ một chiếc cầu nối đôi bờ đã được xây dựng. Đó là về đò ngang, còn về đò dọc nghĩa là những chuyến đò chạy dọc theo sông thì tôi cũng có đôi dòng kỷ niệm. Thú thiệt tôi chỉ đi đò dọc có đôi ba lần trong đời nhưng ký ức về những chuyến đò ấy luôn đậm sâu trong tôi. Chuyến đò dọc đầu tiên chính là chuyến đò từ nhà ngoại ở Phú Long đi chợ Cái Mơn. Thời đó mỗi lần đi thăm bà con hoặc đám tiệc thì thường má con tôi hay chọn đi đò dọc vì cần chở nhiều đồ cũng như tiện lợi hơn khi nhà tôi chỉ có một chiếc xe. Thường thì nhà tôi sẽ đón đò với lúc sáng sớm độ sáu giờ. Tôi không nhớ má và ngoại gọi đò ra sao, chỉ nhớ rằng sáng sớm đi theo ra bờ sông trước nhà ngoại. Lát sau sẽ có một chiếc đò dọc tấp vào và cả nhà tôi sẽ lên chiếc đò đó. Đò dọc thì cũng là một chiếc ghe, bên trong chia ra làm hai hàng ghế hai bên như xe đò hoặc như các ghe du lịch sông nước bây giờ. Thường đi đò cũng như đi xe, tôi luôn thích ngồi bên cửa sổ. Ngồi cửa sổ có thể nhìn nước rẽ ngay dưới cửa sổ, nhìn vườn tược, nhà cửa, bến nước hai bên bờ sông. Đủ thứ cảnh vật của một buổi sáng làng quê thanh bình. Những hình ảnh đó vẫn ở trong tôi đến tận hôm nay khi viết những dòng này. Chạy một chút thì đò cũng ghé bến chợ Cái Mơn. Theo tôi nhớ thì nơi đò cập bến vào thường là cầu Fatima bên phía bờ nhà thờ. Lúc đó có lẻ là nhà cửa chưa nhiều nên bà con vẫn có thế đi lại từ bến lên bờ được. Từ bến đó thì mọi người có thể đi qua cầu Fatima để sang chợ Cái Mơn hoặc là đi tiếp để ra nhà thờ. Trong một thời gian dài đò đã là cách để bà con dọc theo các con sông có thể đi lại, từ công việc, chợ búa đến thăm hỏi bà con hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo. Chuyến đò dọc thứ hai cũng là chuyến đò dọc tôi nhớ nhất chính là chuyến đò đi Vĩnh Long. Tôi chỉ đi tuyến này đúng một lần trong đời nhưng có lẻ đó sẽ là chuyến đò làm tôi nhớ nhất. Năm đó nhà tôi có dịp đi ăn đám nhà một người cậu. Lúc đó cậu mợ ở xa tận Châu Đốc nên đi đám cũng tương đối xa xôi. Vì ở quê mình không có xe đò chạy lên Châu Đốc nên má con tôi phải đi đò lên Vĩnh Long để đón xe đò đi Châu Đốc. Chuyến đi bắt đầu từ sáng sớm, độ đâu chừng bốn giờ sáng. Lúc đó má con tôi ở nhà bà của tôi gần nhà thờ Cái Mơn. Cả đoàn người chúng tôi đi dọc theo con đường nhà thờ, qua cầu Lân, cầu Fatima rồi đi men qua chợ Cái Mơn. Thời đó dù là khu đông dân cư và chợ búa nhưng hầu như rất tối, tối om đến mức phải dùng đèn pin. Tôi không nhớ rõ lắm bến đò nằm ở đâu. Có thể là nơi nào đó nằm ở cái bờ sông giữa cầu Chợ và cầu Lò Rèn, gần chùa Nam Hoa. Cả nhà tôi lên đò trong đêm, dù khá sớm nhưng đò cũng rất đông người. Ngoài những người ngồi ở trên ghế thì có kha khá người mắc võng nằm ở giữa đò. Con đò nổ máy lướt đi trong đêm tối. Nếu so với đi vào buổi sáng sớm thì đi đò khuya vẫn có một cái gì đó rất đặc biệt và khó tả. Nhất là khi được nhìn trời hửng sáng dần trên sóng nước, những vườn chôm chôm, măng cụt, những bến nước, mái nhà dần hiện ra trong sáng sớm. Khoảng hơn sáu giờ gì đó thì nhà tôi cũng đến được bến đò Vĩnh Long. Tôi không nhớ rõ bến đò đó trông thế nào nửa, chỉ nhớ mơ hồ rằng đó là một bến sông lớn cùng với nhiều băng ghế đá. Sau đó nhà tôi đi chuyển sang bến xe và mua vé đi Châu Đốc. Đến lúc về cũng tương tự khi từ bến xe nhà tôi xuống đò đi về Cái Mơn, chỉ khác là nhà tôi về vào giữa buổi trưa. Một điều làm tôi nhớ vô cùng nửa đó là món cơm tấm sườn bì chả mà má mua cho tôi ăn dưới đò. Đó là một trong những hộp (hoặc bịt) cơm tấm ngon nhất tôi từng ăn đến tận bây giờ. Chuyến về chỉ khác một điều với chuyến đi đó là nơi nhà tôi lên bến. Lúc đầu tôi cứ nghĩ sẽ về bến Cái Mơn, nhưng cuối cùng đò đưa hẳn nhà tôi ở Mỏ Cày. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc lúc đò cập vào bến. Đó là một bờ sậy nước rất lớn. Tôi đã có phần khó hiểu khi cứ nghĩ rằng phải ghé bến Cái Mơn hoặc là bến nhà ngoại, tôi không biết bến sông này là đâu. Cho tới khi má con tôi lên bến để vào bờ thì đi thêm một đoạn tôi mớ vỡ lẻ ra rằng đây là cái bến sông gần nhà mình, ngay sau nhà một ngườ bạn thuở nhỏ của tôi. Thế mà tôi chẳng biết… Đó cũng chính là chuyến đò dọc gần đây nhất tôi đi, ngót chắc cũng gần hai chục năm rồi. Ngoài là phương tiện di chuyển thì đò còn là dịch vụ vận chuyển đồ đạc. Ngày xưa mọi người toàn dùng từ "gửi đò" thay vì gửi xe. Sở dĩ thế vì ngày đó đường sông nước có nhiều ưu thế hơn đường bộ vì đường xá chưa phát triển, dịch vụ xe cộ chưa được như hiện nay. Mỗi khi muốn gửi gì cồng kềnh thì đò vẫn là dịch vụ được cân nhắc đầu tiên, từ chiếc xe máy, tủ, bàn, ghế cho đến cả bình nước mắm cũng theo những con đò mà len lỏi vào đời sống hằng ngày của mọi người dân xứ mình.
Có lẻ đò sẽ vẫn còn tồn tại nhưng không còn vị thế như xưa. Những con đò dần khép mình lại khi mà đường xá và xe cộ dần được mở rộng. Giờ đây thì việc đi lại đường bộ ngày càng được mở mang hơn. Chưa kể đến việc thông thương hàng hòa cũng đa dạng hơn. Như ngày xưa có những món đồ chỉ có thể mua ở Sài Gòn hoặc gần hơn là Bến Tre hoặc Vĩnh Long thì giờ đã có thể mua được ở Ba Vát, Chợ Lách… Nhưng dù có thế nào thì những con đò trên miền sông nước quê hương sẽ vẫn luôn là một hồi ức đẹp không chỉ của riêng tôi mà còn với không biết bao nhiêu thế hệ nơi miền quê này.