Như đã nói ở phần trước, đất nước mình là một đất nước luôn có sự tôn trọng dành cho những giá trị tinh thần. Xứ mình cũng thế, nên những chuyện tâm linh ma quái luôn là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi người. Hôm nay tôi xin trở lại với chủ đề này nhưng có phần khác đôi chút là tôi sẽ nói về tôn giáo. Nếu ở phần đầu là câu chuyện của những thế lực khuất mặt, khuất mày thì phần này sẽ là những câu chuyện về những vị tôn kính của những tôn giáo xứ mình.
Như một lần nửa giới thiếu, tôi là người Công Giáo và học giáo lý từ nhỏ ở họ đạo Cái Mơn. Nhưng ở trong bài hôm nay tôi xin phép được kể với một tinh thần của một người dân bình thường xứ mình. Hai câu chuyện tôi kể hôm nay được diễn ra gần như là cùng thời điểm và liên quan đến hai tôn giáo lớn xứ mình đó là Công Giáo và Phật Giáo. Đầu tiên là Công Giáo. Thời đó ở xứ mình rộ lên chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Vĩnh Chính. Tôi thiệt là không nhớ được chuyện đó bắt đầu thế nào và chính xác ở đâu trong Vĩnh Chính. Chỉ biết rằng đó là một câu chuyện gây xôn xao khá nhiều không chỉ xứ mình mà còn râm rang lên cả Sài Gòn. Theo trí nhớ của tôi thì có một bà cô nào đó trong đêm đi ngang qua một tượng Đức Mẹ nào đó trong Vĩnh Chính và đã thấy Mẹ hiện ra. Lúc đó bà sợ quá, lo bị hoa mắt hoặc một sự huyễn hoặc nào đó nên chợt nói một câu đại ý là:
- Nếu thật là Mẹ, xin Mẹ hiện ra lần nửa cho con thấy được Mẹ.
Tức thì Đức Mẹ lại hiện ra. Những ngày sau đó, Đức Mẹ hiện ra mỗi ngày với thời gian không xác định, thường là khuya. Dân mình kéo đến nơi đó đông lắm. Hình như nơi đó là một con đường cập mé sông nên nhiều người chèo xuống ra. Sỡ dĩ tôi kể một cách mập mờ vì thú thiệt tôi dù là người Công Giáo nhưng chưa đến đó bao giờ. Nhà tôi cũng có lần định đi nhưng mà phần vì khuya quá, phần vì nhà tôi tin theo phúc âm rằng "Phúc cho ai không thấy mà tin" nên đành thôi không đi. Những ngày sau đó ngoài việc hiếu kỳ đến xem Đức Mẹ hiện ra thì những người giáo dân bắt đầu hình thành những buổi cầu nguyện đơn thuần ở nơi đó, thường là bắt đầu từ sáu giờ tối đến tận khuya. Bà con của tôi cũng tham gia các buổi cầu nguyện đó. Họ kể rằng người trên Sài Gòn và xứ khác kéo về đông lắm. Họ đậu xe du lịch ở lộ lớn nhiều đến mức mà tôi nghe đồn mấy nhà ngoài đó còn dọn mặt bằng để làm bãi đỗ xe cho khách hành hương nhằm kiếm thêm thu nhập. Bà tôi kể trong số những người đến hành hương có khá nhiều văn nghệ sĩ có tiếng. Họ về thăm và đóng góp tiền cho giáo phận. Trong những người đó tôi nhớ có nghệ sĩ Thành Lộc. Bà tôi kể một cách không chắc chắn rằng:
- Có cái thằng gì đó phở Hoàng nó về nửa, nó còn cho cả … triệu.
Sở dĩ bà gọi nghệ sĩ Thành Lộc là "thằng phở Hoàng" vì năm đó chú đóng vai ông chủ tiệm phở Hoàng trong phim Mùi Ngò Gai. Một bộ phim khá nổi thời gian đó. Rồi cả chuyện nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Lúc đó có lẽ bác đã mang trọng bệnh và về xứ mình để nguyện cầu Đức Mẹ. Tôi nhớ bà kể rằng bác quỳ rất lâu ở đó nhưng không thấy Mẹ hiện ra. Có lẻ lâu quá nên bác khấn một câu đại ý là:
- Con lại Mẹ, con bệnh nặng nên không quỳ tiếp được. Lạy Mẹ con đi.
Tức thì lúc bác đứng lên thì Mẹ hiện ra. Đó là hai trong số các câu chuyện tôi nghe về sự kiện Đức Mẹ Vĩnh Chính. Đa phần những điều tôi kể ra đây đều được nghe từ người khác nên không thể xác minh hoàn toàn. Như đã nói ở trên vì nhà tôi chưa một lần ra nơi Đức Mẹ hiện ra vì nhiều lý do.
Sự kiện thứ nhì cũng diễn ra vào cùng thời gian trên và liên quan tới Phật Giáo. Hẳn xứ mình nhiều người sẽ biết đến chùa Kim Long. Một ngôi chùa tọa lạc gần cầu Cây Da và ở trước khuôn viên chùa là bức tượng Phật Quan Âm màu trắng. Theo tôi nghe được cũng như tìm hiểu lại báo chí thời điểm đó thì mọi việc bắt đầu khi có một đoàn phật tự hành hương đến chùa. Trong đêm ở lại chùa, một hộ gia đình đã nhìn thấy tượng Quan Âm chuyển động và những em bé thì thấy hào quang tỏa ra từ tượng. Cứ thế mà tin đồn lan ra khắp nơi. Những ngày sau đó những người hành hương lũ lượt kéo về chùa để sinh hoạt tôn giáo. Giống như bên phía đầu đường vào Vĩnh Chính, nhà chùa cũng như các hộ gần đó cũng cho mở rộng sân để phục vụ khách thập phương cùng như phật tử đến viếng chùa…
Tôi không rõ hai sự kiện trên kết thúc thế nào. Ở chổ Đức Mẹ Vĩnh Chính thì sau đó không thấy Mẹ hiện ra nửa. Tôi nghe rằng giáo dân vẫn duy trì cầu nguyện nơi đó lúc chiều tối. Riêng việc bên chùa Kim Long thì tôi hoàn toàn không nắm bất kỳ thông tin nào. Đó có lẻ cũng là hai câu chuyện khép lại những câu chuyện về tâm linh xứ mình mà tôi biết. Nghĩ lại đôi lần thấy cũng thiệt là kì lạ. Mới một năm trước đó thôi, xứ mình còn xôn xao với những chuyện tâm linh trong Vĩnh Hòa với xe Bá Hải thì sau đó liền có hai việc liên quan tới tôn giáo. Một giai đoạn thiệt lạ kì những cũng đáng nhớ.
Riêng tôi vẫn thế, vẫn giữ cái suy nghĩ "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Chỉ đôi lần nghĩ rằng cuộc sống luôn có những sự cân bằng nhất định, kể cả trong đời sống tinh thần lẫn tiềm thức. Mới đó râm rang những điều ma quái thì một năm sau đã có những sự hiển linh của những bậc thánh thần.