Đi bán kiểng ngày Tết

Viết ngày 11/03/2022

Xứ mình là xứ bông kiểng nên chắc ai cũng biết về việc đi kiểng ngày Tết. Việc đi bán kiểng ngày Tết như là một nét văn hóa mà ít nơi nào có được. Nhưng nhà tôi thì không trồng kiểng, nên tôi chưa bao giờ đi kiểng. Chuyện đi kiểng ngày Tết với tôi chỉ là những câu chuyện kể.

Nói một chút về những người xung quanh tôi, như bao người dân xứ mình, phần lớn gia đình họ làm kiểng. Nếu không tự trồng và bán thì cũng làm thuê những nghề liên quan tới kiểng như quay chậu, vò tắt, uốn mai… Mỗi năm Tết tới là nhà tôi lại đi phụ bà con mình làm những công việc liên quan tới hoa kiểng như dọn cây xuống ghe… Những ngày mọi người đi bán kiểng cũng là những ngày quê mình vắng nhất, sau ngày hai mươi là bắt đầu các gia đình nhổ ghe đi tứ xứ bán buôn và mỗi nhà chỉ chừa lại ít người ở nhà coi sóc việc nhà cửa. Đương nhiên là tôi không đi bán kiểng bao giờ nên tôi cũng chưa bao giờ biết được cái cảm giác lênh đênh trên ghe những ngày cận Tết sẽ ra sao, ghe cập bến những miền đất lạ sẽ như nào. Nhưng tôi có những đứa em, đứa bạn đi bán kiểng nên nhờ tụi nó mà tôi cũng mường tượng ra được phần nào không khí đó. Nhưng trước khi nói về những câu chuyện tôi được nghe thì tôi xin kể về quê mình những ngày cận Tết. Những ngày đó gần như xóm nào cũng vắng tanh, người dân đi bán kiểng hết cả rồi. Còn lớp học thì cũng chẳng khá hơn, lớp nào cũng lưa thưa hết do con nít phải đi bán kiểng với gia đình. Con nít tuổi nhỏ thì ở nhà không ai lo nên theo gia đình đi bán Tết. Lớn tí ở tuổi thiếu niên thì theo gia đình phụ giúp công việc. Nói chung là Tết thì xứ mình vắng học sinh tới lớp hẳn. Mỗi lớp học cứ leo teo vài đứa và tôi luôn ở trong cái đám leo teo đó. Tôi không rõ những ngày bán kiểng nơi xứ lạ thế nào nhưng tôi luôn nghe những đứa em mình kể lại với một vẻ háo hức, như thể một chuyến du lịch hơn là việc bán buôn. Bọn nó hay kể về cái chợ này, cái bến kia như những nơi kỳ thú trên đời chưa bao giờ đặt chân đến. Rồi bọn nó kể về con người xứ đó như thế nào, họ ăn nói ra sao, trả giá thế nào, có vui vẻ không… Qua lời kể của tụi nó tôi như thấy được sự rộng lớn cũng như đa dạng của đất nước mình. Có đứa bán chỉ ở thị xã Bến Tre thôi mà đã có bao điều để kể, rồi những đứa bán ở Vĩnh Long, Tiền Giang rồi đến xứ biển Kiên Giang, Cà Mau hay lên núi non Tây Ninh hay xa tận miền ngoài… Từ những chợ quê bé nhỏ đến thị xã đông đúc hay cả xứ Sài Gòn hoa lệ. Những sáng theo chân người lớn uống cà phê sớm cho đến những đêm phố thị được má mua cho xiên que hàng rong, rồi những khi bán kiểng được giá má dắt đi chợ đêm mua cho cái áo, đôi giày, cái nón để Tết về khoe với bè bạn… Đến khi học cấp hai thì tôi lại được nghe chuyện từ những đứa mà gia đình nó năm nào cũng bán ở một chổ nhất định. Tôi nghe về thị xã Bến Tre, đêm nằm canh bông và chào hàng. Tôi nghe về xứ Bình Dương, quê ngoại của một đứa bạn nào đó và nó kể rằng về quê được bà con dắt đi chơi chổ này chổ nọ ở Bình Dương. Rồi tôi cũng được nghe về chợ Hồng Ngự, cái chợ cá to nhất trần đời qua lời kể của thằng bạn tôi, mỗi lần kể tay nó dang rộng như để chứng minh cho cái sự to lớn, vĩ đại của cái chợ cá, rồi nó kể dân chơi ở đó mỗi người nhuộm tóc một màu đi tới đi lui trong chợ… Cứ thế mà tôi lớn lên với những câu chuyện kể, những món quà Tết của những đứa trẻ xứ mình, những đứa trẻ mà Tết năm nào cũng lênh đênh sóng nước để đem hoa kiểng đi khắp xứ Việt Nam.

Giờ đây khi lớn lên tôi chẳng còn mấy hứng thú với những câu chuyện đó nửa. Phần vì tôi lớn, xa quê, đi đây, đi đó nên chẳng mấy lạ lùng chi những câu chuyện nơi xứ lạ. Cũng có thể là khi lớn lên rồi ngoài những câu chuyện con nít thì thực tế lời lỗ của cuộc bán buôn cũng chiếm nhiều phần hơn trong suy nghĩ của tôi. Những lúc thế mới thấy những người cha, người mẹ đã cho con mình nhiều thế nào, để trong những cuộc bán buôn đó, dù lời hay lỗ thì bọn nó vẫn vui vẻ qua những câu chuyện lúc Tết về.

Trở lại