Đã nói nhiều về bánh mì, nước sâm cũng như các món ăn trưa của học sinh. Nay tôi sẽ viết khu ăn uống ở giữa chợ Cái Mơn, nơi có những quán ăn và quán cà phê.
Địa điểm của khu ăn uống này nằm ở ngay giữa chợ. Từ nhà lòng chợ đi ra sẽ gặp ngay khu ăn uống này với những hàng bánh mì và băng đĩa. Nhưng câu chuyện về những hàng quán đó sẽ để cho những bài viết sau. Hôm nay tôi chỉ nói về những hàng quán khác của khu này. Khu này theo tôi nhớ thì được chia ra làm hai bên, một ăn và một uống. Bên uống thì gồm có hai quán cà phê. Tôi nhớ là hai quán đó có chiều để truyền hình ngược nhau. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là truyền hình của hai quán đó được để dựa vào cùng một miếng vách, cũng là miếng vách chia đôi hai quán. Tôi không nhớ rõ cả hai quán có đều bán nước mía không, tôi chỉ nhớ rõ là cái quán ở giữa hay là quán ở phía nhà lồng thì có xe nước mía. Hồi đó mỗi lần đi chợ với gia đình thì tôi và cha hay ngồi uống nước mía ở đó trong lúc chờ má mua đồ. Quán còn lại thì thỉnh thoảng nhà tôi cũng ngồi. Nhìn chung thì tôi thấy quán có xe nước mía đông hơn dù có vẻ đông hơn không đáng kể lắm. Cả hai quán đều mở từ sớm, lúc tôi học cấp hai toàn đi ngang chợ vào lúc trước năm giờ sáng. Giờ đó cả hai quán (và cả quán ở dốc cầu chợ) đều đã dọn ra cả và có người uống. Thường những quán đó hay chiếu phim bộ Hồng Kong, hài hải ngoại hoặc nhạc Paris By Night cho khách nghe. Hồi xưa không phải nhà nào cũng có đầu đĩa nên thường bọn con nít hay ra ngồi gần mấy quán cà phê như vậy để coi ké phim với hài. Đó là về hai quán cà phê, bây giờ mới tới quán ăn. Theo tôi nhớ thì có ba quán nhưng về chi tiết đồ ăn thì tôi chỉ nhớ mỗi hai quán. Quán đầu tiên nằm ở giữa, đó là một quán bì bún. Dân xứ mình ăn bún thịt nướng với bì nên hay gọi món đó là bì bún thay vì thịt nướng. Sau này lên Sài Gòn ít thấy quán nào làm bì bún nửa, tôi muốn ăn thì phải lựa quán nào có bán bún thịt nướng và cơm tấm rồi nói họ thêm bì vào. Trở lại với quán bún thịt nướng, chủ quán là một bà cô và thường cô bán một mình. Tôi không nhớ rõ người phụ cô là ai. Ở đây, cô bán món bún gồm thịt nướng cuộn mỡ và bì, dưa leo, dưa chua, giá, mỡ hành và đậu phộng đâm nhuyễn. Tôi không nhớ rõ có chả giò hay không, có thể có và cũng có thể không. Tôi nhớ rằng mình ít khi ăn ở đó vào buổi sáng, thường tôi chỉ hay ăn lúc gần tan chợ. Thường đó là những hôm mà tôi không về nhà sau giờ học thể dục buổi sáng, dư tiền và vì lý do gì đó chơi đem nướng tiền đó vào quán điện tử hoặc đơn giản là thèm thôi. Hay một trường hơp khác đó là hợp phụ huynh. Sau giờ họp phụ huynh thì tôi và má hay ghé quán này ăn trưa, gần như suốt cả khoảng thời gian đi học của mình thì quán bún thịt nướng này luôn là nơi mà má con tôi ăn mỗi khi họp xong. Tôi giờ đã không còn nhớ quá rõ ràng vị bì bún ở đó, chỉ biết là nó ngon. Thịt nướng tại chổ còn nóng, mềm và thơm mùi thịt nướng miền tây. Bì thì như bao chổ bì khác, thơm và bùi. Đậu phộng thì được giã nhuyền nên ăn thơm và béo do được hòa cùng với bì và mỡ hành. Một tô cũng không mắc lắm độ bằng với một tô hủ tiếu kế bên thôi, theo tôi nhớ thì sẽ là ba ngàn và sau này là năm ngàn rồi mười ngàn. Mà nói về hủ tiếu rồi thì kể luôn về quán hủ tiếu. Quán hủ tiếu nằm ở gốc khu ăn uống nhưng ở phía bên đầu cửa tiệm bán vật tư chứ không giáp nhà lồng. Tiệm của một cô người ba tàu thì phải, nhà tôi hay gọi là dì Xìn (Xiềm?). Quán của dì bán hủ tiếu, mì và hoành thánh. Hồi nhỏ tôi rất thích ăn hoành thành, món này thì dưới quê mình hồi đó hiếm bán lắm. Phải ra chợ Cái Mơn mới có. Mồi lần ra tôi điều ăn ở quán đó, trong tô ngoài hoành thánh ra thì còn có cả tôm khô và mực khô. Hoành thánh ở đó rất ngon, tôi cứ thích ăn ở đó suốt thời gian còn nhỏ. Đến khi lớn hơn chút thì tôi mới ăn hủ tiếu khô, lúc đó thì tôi mới nghĩ lại rằng hủ tiếu khô mới là cái món ngon nhất của quán. Hủ tiếu khô ở quê mình khác với xứ khác vô cùng. Sợi hủ tíu khô được tụng mềm dẻo vừa phải kèm theo nước dùng trộn là một loại nước béo nào đó, tất cả trộn đều vào nhau. Phần nước lèo thì được để trong một cái chén nhỏ (thay vì tô như Sài Gòn). Trong chén đó là biết bao thứ như thịt, gan, trứng cút và đặt biệt là tôm khô và mực khô. Những thứ đó là nước lèo thơm và ngọt vô cùng. Những món như tôm khô và khô mực có vẻ lạ vời những tô hủ tiếu thường thấy nhưng tôi nghĩ chắc cũng không bằng được thứ có trong tô hủ tiếu khô. Hẳn mọi người đều hay nghe người miền tây ăn ngọt, uống ngọt. Hủ tiếu miền tây nước lèo ngọt, cà phê đen cho nhiều đường. Nhưng ở đây là ngọt tới từ sợi hủ tiếu. Đúng hơn là ngọt vì gia vị người ăn cho vào sợi hủ tiếu. Đó là đường, trên bàn ăn ngoài những gia vị như ớt, chanh, ớt khô thì có thêm một hủ đường. Ai ăn thì bỏ một hai muỗng đường bé tí vào để trộn lên ăn. Nói ngọt chứ cũng ngọt dìu dịu thôi. Ngoài ra còn một thứ nửa mà tôi tìm hoài không có được ở xứ khác đó là đậu phộng. Xứ mình nó lạ chổ đó, hủ tiếu khô trộn với đậu phộng và đường, nước lèo có tôm khô và mực khô. Thế mà tôi cứ nhớ hoài cái tiệm đó. Sau này khi tôi vừa biết ăn hủ tiếu một tí thì dì Xìn dọn lên Sài Gòn. Từ đó về sau chổ đó vẫn bán hủ tiếu, vẫn một kiểu làm nhưng tôi thấy tuy ngon nhưng không bằng thời dì còn bán…
Cứ thế mà cũng dạo hết một vòng chợ. Từ hồi đi học xa rồi sau đó chợ làm lại, tôi gần nhưng chẳng có lần nào ghé lại khu ăn uống đó lần nửa. Đôi lúc cũng thèm bì bún, thèm hủ tiếu khô đậu phộng với đường. Nhưng mà lười quá biếng sao giờ.