Một ngày học giáo lý

Viết ngày 06/02/2022

Có thể nói nhà thờ chiếm một phần khá lớn trong ký ức của tôi về Cái Mơn. Tôi gần như gắn bó hơn năm năm của mình với những nơi gần nhà thờ lớn Cái Mơn. Từ việc học giáo lý đến việc học cấp hai ở trường Phan Văn Minh, đến tận lúc học ở trường Thiên Vương thì tôi vẫn phải chạy ngang nhà thờ để học thể dục. Trong những việc đó thì đương nhiên việc học giáo lý là việc đặc biệt nhất vì diễn ra trực tiếp trong nhà thờ và cũng là hoạt động cộng đồng đầu tiên của tôi khi chuyển về sống ở xứ này. Nên hôm nay tôi sẽ lục lọi ký ức mà viết về những ngày đi học giáo lý của tôi vào một mùa hè lâu lắt lắm rồi.

Trước khi kể về một ngày học giáo lý của tôi thì tôi xin kể một chút về họ đạo năm đó. Họ đạo lúc tôi học bí tích Thánh Thể tôi nhớ rằng có bốn linh mục là cha sở Giuse lớn, cha Đa Minh, cha Giuse nhỏ và cha Antôn. Một thời gian sau thì họ đạo có thêm một linh mục nửa là cha Micae Bảo. Những năm đó thiếu nhi bọn tôi được tiếp xúc nhiều nhất với cha Antôn vì cha là linh mục phụ trách thiếu nhi họ đạo. Về cơ cấu thì trừ Bao Đồng ra các nhóm bí tích như Thêm Sức và Thánh Thể sẽ được chia ra theo nam nữ. Ở mỗi nhóm lại chia nhỏ hơn thành hai hoặc ba nhóm nhỏ, mỗi nhóm như thế độ chừng hai mươi người và sẽ có một giáo viên cùng hai ba huynh trưởng phụ trách. Một tuần chia ra làm năm ngày học bình thường, ngày thứ bảy và Chúa Nhật. Ở mỗi ngày học bình thường sẽ học hai buổi sáng và chiều. Buổi học sáng được bắt đầu sau khi tan lễ sáng. Thường thì bọn con nít sẽ chờ đến lúc tan lễ mới vào nhà thờ. Một số đứa thì vào hẳn nhà thờ để đọc kinh hết lễ, sau đó đọc kinh ở núi Đức Mẹ xong mới vào học. Một buổi học sáng sẽ bắt đầu ở trong nhà thờ, cha Antôn sẽ đọc sơ lược qua các ý chính của các bài học trong ngày của các khối bí tích và giảng giải cho thiếu nhi. Sau đó sẽ đến phần học bên ngoài, các nhóm sẽ lần lược di chuyển ra bên hông nhà thờ để học bài học trong ngày. Lúc này các giáo viên sẽ giảng cho thiếu nhi về bài học trong ngày (thường là về các phép Bí Tích và sự kiện trong Thánh Kinh…). Sau khi giảng xong giáo viên sẽ đưa ra danh sách các câu hỏi cần học thuộc lòng trong ngày. Sau đó nếu còn thời gian giáo viên sẽ tổ chức các trò chơi hoặc kể chuyện trong kinh thánh cựu ước cho thiếu nhi nghe trước khi kết thúc giờ học buổi sáng. Thường một buổi học như sẽ thế kết thúc trước bảy giờ ba mươi. Sau đó chúng tôi được về nhà. Giờ học buổi chiều thường bắt đầu vào lúc một giờ chiều. Thường bọn con nít sẽ đi sớm để tranh thủ chơi mấy trò như bắn đạn, tạc lon hay ghé trung tâm mục vụ chơi điện tử. Đến một giờ thì tất cả sẽ vào nhà thờ để chép nhạc. Hiện nay lời bài hát cũng như kinh được dùng trong thánh lễ sẽ được chiếu trên một cái màn hình TV. Nhưng ở thời tôi còn đi học giáo lý thì tất cả được ghi bằng phấn lên những tấm bảng xanh treo ở các cây cột. Sẽ có khoảng hơn ba mươi phút để đám con nít bọn tôi chép những bài hát vào tập. Khi chép xong sẽ có một dì phước bắt nhịp và dạy chúng tôi cách hát các bài đáp ca, vào lễ, kết lễ cũng như đọc Hallelujah. Sau đó độ chừng hai giờ bọn tôi sẽ lại được di chuyển ra ngoài và bắt đầu trả bài cho những bài được học lúc ban sáng. Thường các anh chị huynh trưởng sẽ phụ giáo viên việc đó. Sau khi trả bài xong xuôi bọn tôi sẽ được cho "ra chơi". Đó là thời điểm bọn tôi thích nhất, được đi ăn hàng ở cổng nhà thờ, vào trung tâm mục vụ chơi điện tử, đi tạc hình… đủ thứ trò. Đến lúc chuông lễ vang lên bọn tôi sẽ vào nhà thờ để chuẩn bị cho thánh lễ chiều. Trong thánh lễ đó chúng tôi sẽ được hát vang những bài ca đã được tập lúc ban chiều và nghe cha giảng các bài giảng dành cho thiếu nhi. Một buổi học của bọn tôi sẽ kết thúc sau khi tan lễ chiều. Riêng với ngày thứ bảy và Chúa Nhật thì có đôi chút khác biệt. Thú thiệt tôi không nhớ rõ lắm ngày thứ bảy có gì xảy ra, tôi chỉ nhớ rằng là không có học buổi chiều. Riêng chủ nhật cũng không học gì luôn, bọn tôi tham gia thánh lễ dành cho lứa tuổi của mình, lễ nhì. Sau khi tan lễ thì thường nhà thờ sẽ tổ chức một số hoạt động để gắn kết tình cảm của thiếu nhi như các trò chơi, ca hát… Cơ bản đó là những gì tôi đã trãi qua trong hai mùa hè học giáo lý. Thú thiệt là nó khá vui và đáng nhớ, học giáo lý cho tôi cơ hội làm quen được với đủ loại bạn bè. Từ những đứa con nít xứ mình đến những đứa xứ khác mà có quê hoặc bà con ở Cái Mơn, được gửi về để học giáo lý và đương nhiên có cả những đứa như tôi, nhứng đứa mà lớp học giáo lý là lớp học đầu tiên trước khi chuyển về sống ở cái xứ này.

Đã lâu lắm rồi tôi không đi lễ nhì nên cũng không biết giờ việc học giáo lý diễn ra như thế nào, có còn như xưa nửa không? Nhưng ít nhiều thì đó vẫn là những cái kỷ niệm hay ho của một đứa nhóc xứ đạo mà tôi sẽ còn nhớ dài dài.


Đáng lẻ sẽ kết bài ở đây rồi nhưng mà tôi chợt nhớ ra đôi điều nên viết luôn ở đây vì tôi hơi lười chỉnh lại mạch văn để nhét lên phần trên. Hành trang đi học giáo lý của bọn tôi thường chỉ có một cuốn sách giáo lý, một cuốn tập để chép nhạc và được nhiên là một cây viết. Thường thì rất ít đứa nào dùng cặp hoặc túi để đựng mà thay vào đó là dùng cái túi ni lông vuông, loại mà người ta hay dùng đựng quần áo để mang đi. Nói về sách giáo lý thì có một điểm hay ho mà đến giờ tôi vẫn nhớ lắm. Đó là đám con nít bọn tôi thường sẽ bứt một tờ giấy đôi ra để làm bìa cho sách giáo lý. Trên cái bìa đó bọn tôi sẽ tự vẽ luôn hình minh họa cho sách. Thường với bí tích Thánh Thể sẽ là hình ảnh rượu và bánh, bí tích Thêm Sức sẽ là chim bồ câu. Hoặc lười hơn thì cứ viết vào chử cách điệu và ghi tên của mình cùng tên nhóm lên (thường là tên giáo viên) theo mẫu như sau: "Họ tên - Nhóm thầy…".

Trở lại