Hồi nhỏ lúc còn đi học, tôi có nghe một thầy nói về xứ mình rằng "xứ mình là đất Chúa hứa, xứ mình trồng được trái cây, xứ mình không bị mặn…". Đại để là xứ mình là nơi mọi thứ sản vật đều sinh trưởng tốt tươi. Do đó mà chuyện con nít có tuổi thơ quen với vườn tượt, mương rạch, sản vật cũng chẳn lạ gì. Mà có sản vật thì sẽ có mùa thu hoạch, sẽ có những chuyến đi. Tôi cũng có những chuyến đi như thế, một trong số chúng là đến những vườn cau.
Ai cũng biết xứ mình là xứ cây trái nhưng ngoài cây trái ra thì cũng còn những loại cây khác. Cây cau là một trong số những loại cây đó. Tôi không biết giờ quê mình còn chuộng ăn trầu không chứ thời tôi còn nhỏ, các ngoại vẫn luôn ăn trầu bên thềm cửa. Hồi đó, tôi còn nhỏ xíu và vì nhà bà con bán trầu cau nên mỗi khi có chuyến hái cau tôi được đi theo. Một buổi hái cau sẽ bắt đầu từ lúc độ tám giờ hơn. Chổ tôi ở lúc đó ở gần nhà thờ lớn Cái Mơn nơi có thể nhìn ra sông Cái Mơn. Nhà bà con tôi có hai nơi để đi hai cau. Một chổ là ở trong khu Trương Vĩnh Ký, chổ còn lại là bên Phú Sơn. Thường thì nhà tôi hay đi bên chổ Trương Vĩnh Ký hơn. Tôi hay gọi nơi đó là Trương Vĩnh Ký vì thời gian đã lâu lắm rồi, tôi chẳng còn nhớ nơi đó là nơi nào. Tôi chỉ nhớ là phải đi qua khu đền thờ của cụ Trương Vĩnh Ký nên gọi đại là khu Trương Vĩnh Ký luôn. Chứ tôi đoán đó là nơi nào đó ở ấp Đông Nam thôi (đến lớn lên tôi mới biết điều đó). Những lần đi hái cau đều là đi bộ. Chúng tôi đi men qua sân nhà thờ, qua lộ rồi đi một mạch vào ấp Đông Nam. Tôi nhớ rằng muốn đi tới đó phải đi qua một cái cầu xi măng cũ ở gần lộ lớn, đi qua đó rồi cứ men theo đường đất mà đi. Tôi không nhớ rõ đường ở trong ấp Đông Nam người ta trồng cái gì, chỉ nhớ là mát mẻ và nhìn rất yên bình. Tôi nhớ là cứ đi độ chừng hơn nửa tiếng là sẽ tới khu trồng cau. Nói là khu thôi chứ thiệt ra cũng chỉ là vườn trái cây hoặc cây giống gì đó thôi. Chỉ là ở đường đi từ cổng vào nhà người ta trồng cau dọc theo cái lối đó. Đến nơi thì bà con tôi cũng bắt tay vào việc. Chủ nhà sẽ chỉ những cây cau có thể cho trái bán được, cứ theo đó mà cậu tôi sẽ leo lên từng cây để hái. Công cụ hái chỉ có một con dao nhỏ và một sợi dây dù. Sợ dây dù được buộc thành vòng tròn quấn quanh người hái và cây cau, công dụng là giúp cho người hái không bị rơi ra khỏi cây cau nếu lỡ gặp tai nạn. Trong tình huống xui rủi đó thì người hái cái thể ôm lấy thân cây lúc rơi xuống, may thì giữ thân người lại được trên cây, còn không thì xui hơn sẽ bị trầy hết cả người và tiếp đất đau hơn. Như chí ít không bị rơi tự do từ trên đọt cau xuống. Còn con dao thì được ngậm trong miệng, nó sẽ được dùng để cắt cau. Một buổi hái cau như thế thường sẽ kéo dài gần một tiếng. Hái xong thì nhà tôi lại đi bộ về theo đường cũ.
Riêng về đi hái cau bên Phú Sơn thì có khác đôi chút. Tôi nhớ mình chỉ hái cau bên đó đúng một lần. Hồi trước lúc chưa xây cầu Nhà Thờ mới, cây cầu cũ nhỏ nên móng cầu và dốc cầu không kéo dài. Chợ Lộ Đất cũng chưa mở. Nên đường đi từ nhà thờ Cái Mơn đến chổ đường vô Phú Sơn (nơi có tượng Đức Mẹ) luôn có cảm giác rất xa. Khi tới được đó rồi sẽ đi tiếp vào Phú Sơn. Năm đó đường lộ đất vẫn còn là… lộ đất. Lộ bằng đất, to và xung quanh ngoài cây trái ra thì còn có cả ruộng đồng. Đi một đoạn xa sẽ đến bến đò Phú Sơn. Năm đó ai muốn vào Phú Sơn thường sẽ phải đi qua đò. Đò luôn đông người qua, kẻ lại. Qua khỏi đò tôi nhớ nhà tôi vẫn đi một quãng xa nửa, sau đó rẽ vào đường nhỏ để vào vườn cau. Vườn cau ở đây nằm lọt giữa một vườn dừa và trái cây um tùm. Muốn tới chổ trồng cau ở ranh đất phải đi xuyên từ nhà ra tới tận bờ ranh. Tới đó hái xong rồi về thì cũng đã hơn mười hai giờ. Trời nóng đổ lửa là ba người nhà chúng tôi cứ thế đi từng bước mệt mỏi để về đến nhà ở gần nhà thờ Cái Mơn.
Từ lúc tôi học cấp hai thì gần như không còn có thêm chuyến đi hái cau nào nửa. Đến giờ tôi chỉ nhớ từng đó chuyện thôi và không hề nhớ nổi đường đi đến những vườn cau kia. Chắc nó vẫn quanh quẫn đâu đó trong trí nhớ của một thằng nhóc con thích đi chổ này, chốn nọ những năm đó.