Trong dòng ký ức của mỗi con người về quê hương thì ngoài những khu chợ, gốc cây, con đường thì có một phần không thể thiếu đó là quán xá. Đó có thể là một nơi mà khi còn tấm bé được cha ẵm bồng ra để chuyện phím, lớn lên chút là chổ ngồi cùng bạn bè sau khi đi học hoặc đá banh và cũng có thể là nơi hò hẹn đầu tiên trong đời. Quê mình thì cũng nhiều quán xá thật, nhất là những năm gần đây mọi thứ đổi thay và quán xá cũng thế, nhiều quán mở ra với nhiều kiểu cách khác nhau. Riêng với tôi thì lâu lâu khi chạy xe qua khu cầu Nhà Thờ tôi vẫn cứ nghĩ về một cái quán nước sâm cũ rê, cũ rích gần dốc cầu.
Tôi nghĩ ít nhiều gì những người cùng thế hệ với tôi sẽ nhớ tới cái quán đó, nhất là những học sinh từng có thời gian học tập tại trường Phan Văn Minh (THCS Vĩnh Thành hay còn gọi là trường nhà thờ). Theo trí nhớ của tôi thì đó là một cái quán nhỏ nằm trên lộ đâu đó gần ngã ba đi vào Đông Nam (hoặc mọi người hay gọi là đường đi vào Trương Vĩnh Ký). Quán khá nhỏ, được lát gạch tàu và không hề có rào chắn gì cả, bàn và ghế cũng là loại đồ nhựa bình thường như bao quán cốc khác. Ngoài bán nước sâm thì chổ đó còn là một cửa tiệm bán đồ sứ và mỹ nghệ, tôi vẫn nhớ những lần ngồi sâu trong quán xung quanh tôi là những lô bình sứ cao quá đầu người. Chủ quán là một ông chú nhỏ nhỏ người, tóc cắt ngắn và bạc khá nhiều. Tôi không biết ông có tham gia vào việc bán mấy cái bình sứ không vì suốt gần chục năm uống nước sâm tôi chưa thấy ổng chào hàng hoặc trực tiếp bán buôn gì mấy cái đồ sứ đó. Mà quay về với việc nước noi thì quán bán món chính là nước sâm, loại nước sâm màu đen thuốc bắc mà ở đâu cũng có thể thấy. Theo tôi nhớ thì nước sâm được đựng trong một cái thùng nước đá tròn màu đỏ, mỗi khi có khách gọi nước thì ông chủ sẽ cầm một cái cốc nhựa nhỏ và múc nước sâm từ trong đó ra và rót vào ly cho khách. Món này có hai mức giá là năm trăm và một ngàn đồng. Ly năm trăm thường sẽ được rót trong ly nhựa to to, nhưng không rót đầy mà chỉ rót độ chừng sáu phần mười ly. Riêng ly một ngàn thì thường sẽ là ly thủy tinh cao và rót khá đầy độ khoảng tám, chín phần của ly. Thời đó bọn tôi thường chỉ kêu ly năm trăm thôi, hôm nào chơi sang lắm mới kêu ly một ngàn. Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc khi mà gọi ly sâm một ngàn, ông chủ lấy một cái ly thủy tinh ra và bắt đầu múc nước sâm từ trong thùng. Thường thì ly một ngàn sẽ phải múc hai đợt, đợt đầu là một ly nhựa đầy tương đương với nửa cái ly thủy tinh. Đợt kế ông chủ sẽ canh đo mà rót từ từ cho tới khi đạt mức. Tôi thích nhất là cái đợt thứ nhì, nhìn nước sâm trong ly thủy tinh dâng chầm chậm từ nửa ly đến lúc gần đầy khá là thích mắt. Đương nhiên với những ly như thế thì bọn tôi hút khá chậm, đế nhìn cái ly sâm đầy đầy lâu hơn một tí. Ngoài nước sâm ra thì quán còn bán hai món khác là yaourt và rau câu. Tôi không nhớ rõ giá của hai thứ đó là bao nhiêu, hình như là một ngàn thì phải vì trong ký ức của tôi hai món đó cũng được liệt vào hàng xa xỉ phẩm. Yaourt của quán cũng là loại yaourt thường như bao nơi khác, theo tôi nhớ thì được đựng trong hủ thủy tinh con con và có nấp đậy bằng nhựa. Rau câu thì là loại rau câu cà phê sữa và được đựng trong một cái ly thủy tinh bầu bầu, loại ly mà quê mình hay dùng khi uống cà phê sữa nóng. Thường thì ngoài mấy đứa có tiền tí thì hai món đó tôi thấy mấy đứa con gái hay gọi hơn tụi con trai. Thường thì hai món đó hay được gọi khi muốn đãi mấy đứa bạn một kèo gì đó. Sơ lược thì quán cũng sẽ có mỗi ba món đó thôi, vậy mà bọn tôi ghé hết năm này qua tháng nọ. Tôi không nhớ rõ lắm cảm giác của mình khi lần đầu tới cái quán này ra sao. Theo tôi nhớ thì đó là những ngày đi lễ nhì ngày Chúa Nhật, tôi được mấy ông cậu mình dắt ra đây và gọi cho một ly nước sâm. Việc uống nước sâm ở quán này đến tôi một cách tự nhiên như việc mua bánh mì ở cầu nhà thờ, mua xôi ở nhà lồng chợ hay lấy nước từ vòi nước nhà thờ. Nó như thể một thói quen trong muôn ngàn thói quen của dân xứ mình thời đó. Cứ thế mà tôi uống ở đó tới tận những năm cấp ba. Bắt đầu từ những ngày lớp năm, sau lễ nhì hoặc là trước lễ chiều. Từ ngồi một mình đến những lúc ngồi cùng bọn nhóc học giáo lý chung và đôi lúc là cả mấy anh chị huynh trưởng. Đến năm cấp hai thì thường là tôi sẽ đi cùng mấy đứa bạn sau giờ học thể dục ở trường Phan Văn Minh. Bọn tôi hay tấp vào đó uống nước, nói dốc độ gần cả tiếng mới chịu về. Dường như lúc nào tôi ghé quán cũng có nhiều khách chỉ trừ chiều thứ bảy hoặc chiều Chúa Nhật. Quán có nhiều khách hầu như mọi ngày trong tuần và khách uống nước thường là những đứa đi học thể dục, có thể chuẩn bị vào học hoặc là mới về. Đâu đó là những đứa đi hoặc trễ rồi bỏ về luôn và cả tụi học sinh cúp tiết tấp vào. Sáng Chúa Nhật cũng đông, nhất là sau khi tan lễ nhì, tụi con nít và thiếu niên học giáo lý ngồi đầy cả quán. Những ngày lễ như lễ Sinh Nhật thì quán cũng khá đông khách. Thường những ngày lễ như thế người ta xem quán đó như là nơi tập hợp trước khi cùng nhau đi chơi lễ… Tôi không nhớ tôi bắt đầu ít lui tới quán từ lúc nào. Có thể là khi tôi bắt đầu vào cấp ba, khi mà trường Trương Vĩnh Ký nằm ở xa nhà thờ và tôi chẳng có nhiều lý do ghé qua khu đó. Việc đó cũng tự nhiên và nhẹ nhàng như lúc tôi bắt đầu uống nước ở đó. Tôi chỉ nhớ là lâu lâu tôi vẫn ghé đó ngồi uống nước sâm một mình trong lúc trước hoặc sau lễ chiều Chúa Nhật.
Những năm sau này khi lên Sài Gòn học, mỗi lần về Cái Mơn tôi vẫn hay chạy xe lòng vòng khu đó nhưng quán nước sâm đã dẹp mất. Có thể sau khi làm cầu chẳng mấy ai ghé vào đó hoặc là một lý do nào đó, tôi chẳng rõ. Chỉ là lâu lâu khi chạy xe lên dốc cầu Nhờ Thờ tôi vẫn hay ghé mình nhìn xuống và thử đoán xem vị trí của quán nước sâm hồi đó nằm ở đâu giữa những công trình bên dưới.