Gần đây tôi có về quê để làm ít giấy tờ. Như thói quen thì mỗi sáng thức dậy tôi đều chạy ra chợ để ăn sáng. Thường thì tôi hay ăn xíu mại bánh hỏi, bánh mì hoặc là phở. Hôm đó tôi chọn phở để ăn sáng.
Trong mấy năm gần đây tôi gần như không lưu lại quê mình lâu nên gần như không biết quán xá gì mới. Do vậy mà tôi cứ ăn phở ở quán quen nơi dốc cầu Cây Da đổ xuống. Phở của quán vẫn thơm thiệt là thơm như đó giờ. Giữa cái thơm thảo đó mà tôi lại nhớ về những ký ức cũng như đổi thay của tô phở xứ mình. Hồi còn nhỏ tôi nhớ rằng mình thường hay được cha dắt đi ăn một cái quán phở trong lòng chợ Cái Mơn, ngay gốc trung tâm của chợ. Lần gần nhất tôi ghé chợ thì có vẻ quán phở đó vẫn còn ở chổ cũ nhưng không chắc có còn thuộc về người chủ năm đó hay không. Lúc tôi ăn ở đó thì thú thiệt là tôi còn quá nhỏ để biết phở ngon hay dở, tôi chỉ biết là ăn khá được. Theo tôi nhớ thì thời gian đó mấy quán phở quê mình không đựng tương đen và tương đỏ ở trong chai như giờ. Thay vào thì tương được đựng trong mấy cái hủ nhỏ như hủ đựng ớt bột và có muỗng nhỏ để múc ra đĩa chấm. Nước phở thì vàng ươm có phần giống nước bún bò. Vị theo tôi nhớ là khá đậm. Rau thì được bỏ trong rổ và trước khi ăn cha tôi vẫn ngay ngồi bẻ lá để bỏ vào tô. Một điểm khá đặc trưng ở phở quê mình mà có lẻ ít thấy được khi tôi sống ở Sài Gòn đó chính là bánh phở. Thời đó bà con xứ mình ăn phở thì đều ăn với bánh hủ tiếu chứ không ăn bánh phở. Hay nói đúng hơn là chỉ có một lựa chọn duy nhất cũng như là mặc định dành cho bánh hủ tiếu. Cứ thế mà tôi cứ lớn dần lên với những tô phở cùng bánh hủ tiếu. Mà không phải chỉ quê mình mới có cách ăn đó đâu nha. Những lần tôi được đi chơi thị xã, ăn phở Hùng Cường bờ hồ thì phở ở đó người ta cũng chỉ làm bánh hủ tiếu thôi. Hay là những lần mùng năm, tháng năm đi chơi Chợ Lách mà có dịp ăn phở thì cũng vậy. Tôi hẳn đã nghĩ rằng phở và bánh hủ tiếu đi song hành cùng nhau là một lẻ đương nhiên cho đến khi trong một lần tôi được gia đình đưa đi Vĩnh Long chơi. Lần đó tôi mới được ăn bánh phở, cái loại bánh mà to to, mềm mềm… Thế là tôi mới vỡ lẻ ra đây là bánh phở. Mà cũng lạ là sau lần đó thì mấy quán phở quê mình cũng đồng loạt cập nhật bánh phở vào trong danh mục những loại bánh dành cho phở. Lúc này thì tôi đã có phần lớn hơn tí, học cấp hai và đã chuyển sang ăn phở ở một quán khác gần khu bưu điện. Thời điểm đó thì do có bánh phở rồi nên khi gọi phở thường chủ quán sẽ hỏi rằng muốn ăn loại bánh nào, thường thì tôi thấy thì người ăn sẽ chủ động nói loại bánh ra luôn ngay lúc gọi phở, ví dụ như "cho tô tái bánh phở nha". Cứ thế mà tôi ăn tới, ăn lui mấy bận đổi thay thì đến giờ tôi hầu như chỉ ăn phở ở quán dưới dốc cầu Cây Da vì ngon, thuận đường và giá phải chăng, đâu đó chỉ có ba mươi ngàn một tô. Đó là chuyện cái bắt đầu và đổi thay của phở. Riêng về những cái đặc trưng về mùi vị phở ở xứ mình có lẻ chính là mùi thơm. Ngay lần gần đây nhất khi tôi ăn phở ở quán quen cách đây một tuần hơn thôi, tô phở bưng ra mà thơm ngào ngạt, một mùi thơm mà khó có quán phở nào ở xứ đô thành có được. Nước lèo thì vừa vừa ngọt ngào, đậm đà mà cũng rất thanh, không làm cho tô phở bị ngấy. Bánh phở thì có lẻ giờ đây đã chiếm ưu thế hoàn toàn rồi khi mà nếu gọi phở mà không nói thêm gì thì mặc định chủ quán sẽ dùng bánh phở. Mà bánh phở quê mình cũng đặt biệt lắm, bánh phở thường có phần dày và dẻo chứ không mỏng và mềm như phở Sài Gòn. Nếu chọn một phép so sánh để dễ hình dùng thì bánh phở Cái Mơn có phần giống với bánh mì Quảng nhưng nhỏ và ít dày hơn nhưng vẫn cảm nhận được một độ dày nhất định khi cắn vào. Đồng thời thì những hủ đựng tương giờ cũng được thay bằng những chai nhựa như nơi khác, thú thiệt tôi có phần hơi nhớ những hủ sứ của những ngày xưa cũ. Mà nói đến phở quê mình thì thiệt lòng không thể bỏ qua ớt bột. Thứ làm tôi nhớ nhất có lẻ chính là loại ớt bột để ăn phở quê mình. Ớt bột thơm và vị hơi ngọt, cay nhẹ một cách đầm thắm, đặc biệt là khô queo chứ không ươn ướt mùi dầu hay sa tế như xứ khác. Mỗi lần ăn phở là tôi đều cho đủ tương ớt, tương đen cùng thật nhiều ớt bột mà hòa lẫn cùng nhau thanh một chén tương có màu đỏ tươi. Gấp miếng thịt tái lên đũa mà sà vào trong lòng cái thứ nước chấm kia và cho vào miệng. Vị tươi của bò tái vừa chín tới được bộc trong cái vị vừa ngọt, vừa cay nhẹ xé lưỡi và tí beo béo của tương đen làm người ăn phải ngây ngất. Kế đó là gấp ngay một đũa bánh phở vào và húp một muỗng nước lèo là xong một lượt, đúng điệu là thế!
Quê hương Cái Mơn mình đúng thiệt là có nhiều điều để nhớ về khi đi xa và lưu luyến khi rời đi. Những món ăn cũng là phần phần như thế. Phở cũng vậy, tôi gần như đã lớn lên cùng phở quê mình. Từ một món ăn quý giá mà một thằng học trò chỉ có thể ăn khi đi cùng người lớn sau những dịp như đi Lễ Nhất cho đến khi tôi có thể ăn mọi khi về quê… Phở quê mình vẫn luôn vậy, vẫn mộc mạc, đậm đà và khó phai như thế đấy.