Nói về nhà thờ chắc phải ghi, chép và hồi tưởng nhiều lắm. Vì có lắm việc để nhớ và để ghi. Dân xứ mình thì nổi tiếng là xứ đạo nên việc một người lớn lên luôn mang theo ít nhiều những ký ức nơi giáo đường chắc cũng là lẻ thường. Từ lâu rồi tôi vẫn luôn định viết gì đó thêm về nhà thờ, nhân dịp này đi lễ Giáng Sinh thì tôi quả quyết rằng phải viết về những truyền thống thánh lễ ngày trước. Bởi lẻ do dòng chảy thời gian mà mọi thứ đã có ít nhiều đổi thay, trong đó có những quy tắc về việc tổ chức thánh lễ ở nhà thờ lớn Cái Mơn.
Cách đây một hôm, tôi có đi thánh lễ Giáng Sinh vào chiều Chúa nhật ngày hai mươi lăm. Tôi hăm hở khi lâu rồi mới được đi lễ họ đạo Cái Mơn, sẽ được nhìn lại, nghe lại những truyền thống có từ ngày tôi còn trẻ dại. Nhưng có lẻ ngoài chiếc áo mới của nhà thờ thì những truyền thống cũng dần mới mẻ hơn, giống Sài Gòn hơn. Thay vì chia ra nam nữ thì mọi người đi theo từng cặp và ngồi trộn lẫn với nhau. Kinh Tin Kính cũng đọc thay vì hát. Cách đi lên rước lễ cũng có phần "hỗn loạn hơn". Các bạn hầu đèn thì cũng vắng bóng khỏi cung thánh. Có lẻ là một chút thiếu vắng, chút bồi hồi nên tôi viết lại đây đôi dòng để ghi nhớ một thời thánh lễ Cái Mơn rất riêng và rất đáng quý đã qua. Nói về lễ thì chắc phải nói đến Chúa Nhật. Lễ Chúa Nhật là lễ quan trọng và không được phép bỏ qua. Lễ được tính là Chúa Nhật thì gồm có sáu lễ tính luôn lễ chiều thứ bảy. Lễ chiều thứ bảy cũng được tính vào hàng lễ Chúa Nhật, dành cho những giáo dân có việc bận vào ngày Chúa Nhật có thể sắp xếp để tham gia. Riêng ngày Chúa Nhật thì thường sẽ có năm lễ. Lễ Nhất bắt đầu vào lúc sáng sớm, thường là lễ đông nhất và có sự tham gia của cha bổn sở. Lễ nhì thì diễn ra khoảng bảy giờ, được gọi là lễ thiếu nhi vì hầu hết các em thiếu nhi và các lớp giáo lý, huynh trưởng đều đi lễ này. Ở lễ nhì thường các cha sẽ dành các bài giảng cho thiếu nhi, sau lễ cũng sẽ có các hoạt động hội nhóm dành cho thiếu nhi họ đạo. Lễ ba diễn ra vào buổi trưa thì hay được gọi là lễ người cao tuổi dành cho các bác và các ông bà trong họ đạo. Lễ chiều hay con gọi là lễ tư thì gần như một phiên bản của lễ nhất khi có đầy đủ mọi thành phần và lứa tuổi trong giáo xứ dự lễ. Cuối cùng là lễ tối hay còn gọi là lễ sáu giờ hoặc lễ thanh niên vì phần đông giáo dân tham dự thuộc độ tuổi thanh niên. Đó là nói sơ về các lễ, tiếp sau có lẻ tôi sẽ nói một chút về riêng lễ nhất, thánh lễ đặc biệt cũng như trang trọng nhất trong ngày Chúa Nhật. Lễ nhất luôn là lễ đông nhất và đặc biệt nhất. Lễ diễn ra vào buổi sáng sớm Chúa Nhật và có rất đông giáo dân tham dự, đông đến mức thường sẽ có nhiều người phải ở ngoài sân nhà thờ khi dự lễ. Riêng thiếu nhi sẽ được đưa lên dự lễ ở cung thánh nếu như đi một mình và không có người lớn đi cùng. Lễ sáng thường do cha bổn sở làm lễ, những năm tôi còn đi lễ thường xuyên thì lễ nhất vẫn do cha Giuse Thích làm lễ. Trong những buổi lễ đó thì thay vì đọc kinh ăn năn tội với màn ăn năn "lỗi tại tôi" thì thay vào đó cha sẽ ban nước thánh bằng cách hắt nước bằng một chiếc lá. Đến hết lễ lúc nào con nít tụi tôi cũng tụ lại trên cung thánh để nói chuyện cùng cha. Lúc nào cha Giuse cũng thay bộ áo dòng đen ra và hỏi han tụi con nít chúng tôi. Đó là những ký ức về lễ nhất mà có lẻ tôi sẽ không bao giờ quên, hoặc lỡ có quên thì hy vọng những dòng này sẽ giúp phần nhắc nhớ. Tiếp đến sẽ là các thói quen cũng như nguyên tắc trong thánh lễ ngày xưa, những điều mà có lẻ sẽ dần mai một trong tương lai, tôi xin phép ghi lại đôi dòng. Đầu tiên có lẻ là nói về hầu đèn, hôm tôi đi lễ chiều Giáng Sinh chỉ thấy mỗi hai bạn giúp lễ nên bất giác tôi nhớ về hầu đèn. Ngày xưa lễ Chúa Nhật hoặc lễ trọng luôn có hầu đèn. Hầu đèn là những bạn đi theo hai hàng như giúp lễ nhưng thường đi trước. Quần áo của các bạn cũng khác đôi chút khi mà thắc lưng là một dãi đai lưng thay vì dây thừng như giúp lễ. Lúc khi tôi còn bé xíu thì các bạn ngồi một bên đối diện với giúp lễ. Về sau thì chia ra hai bên ngồi. Sở dĩ gọi là hầu đèn vì khi sắp đến đoạn "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh" thì các bạn sẽ đi ra với một bệ đèn cao trên tay. Thường thì đèn sẽ bị tắt, lúc đó các bạn sẽ dùng nến ở bàn thờ để thắp sáng đều các cây đèn. Ngoài nhiệm vụ thắp đèn thì các bạn cũng có nhiệm vụ hứng Thánh Thể cho linh mục và các dì phước cũng như các thầy. Khi hết lễ thì các bạn hầu đèn cùng với giúp lễ và linh mục sẽ đi vào trong như cách đã đi ra, chỉ khác là xách thêm cây đèn thôi. Tiếp đến là Kinh Tin Kính. Khi ở Sài Gòn tôi thật sự rất thèm được nghe tiếng hát kinh Tin Kính, thứ mà gần như đã trở thành thông lệ ở họ đạo Cái Mơn mỗi ngày Chúa Nhật. Nhưng giờ đây thì kinh Tin Kính cũng chuyển thành đọc như trên Sài Gòn, làm tôi có đôi chút hụt hẫng vì đã lâu rồi chưa có dịp nào nghe lại kinh Tin Kính qua điệu hát thay vì đọc. Kế đến là phần đọc lời Chúa lúc chia bánh và rượu cho các tông đồ. Ngày trước mỗi khi đọc xong là nhà thờ sẽ gõ ba tiếng chuông, ở mỗi tiếng chuông thứ ba các giáo dân sẽ cuối đầu. Nhưng giờ thì tiếng chuông được thay bằng tiếng lắc như trên Sài Gòn mất rồi. Cho đến khi rước lễ thì may sao vẫn còn giữ lại được một phần ngày cũ đó là những ai đi rước lễ thì sẽ quỳ cho tới khi đi rước lễ thay vì ngồi lên chờ như ở Sài Gòn. Nhưng niềm vui đó cũng không diễn ra lâu khi mà lúc rước lễ tôi nhận ra một điều xưa cũ khác cũng đã bay đi mất. Ngày trước khi rước lễ thì mọi người sẽ đi từ dưới lên trên, những người quỳ ở dưới cuối sẽ đi trước, cứ thế mà từng hàng người trật tự nối tiếp nhau. Nhưng hôm rồi tôi đi lễ thì mọi người bước ra không theo một thứ tự gì, ở trên thì cứ bước ra trước gây ra hiện tượng "kẹt xe" ùn cứ ở những dãy bàn đầu. Điều cuối cùng có thể không quá quan trọng nhưng làm tôi bâng khuâng nhất chính là việc phân chia nam nữ trong thánh lễ. Họ đạo Cái Mơn đó giờ luôn chia ra nữ, nam quỳ riêng, kể cả thiếu nhi trên cung thánh cũng thế. Do vậy mới có những từ như "bên nam, bên nữ, dòng nam, dòng nữ". Nhưng có lễ giờ đây truyền thống đó cũng dần khép lại khi mà từng đôi nam nữ đi cùng nhau vào nhà thờ như trên Sài Gòn. Lễ tan, tôi bước vội ra ngoài để hòa cùng dòng người tan lễ. Trong lòng tôi thoáng tí bồi hồi, có lẻ sau mười năm thì mọi thứ đã đổi thay nhiều hơn tôi tưởng.
Lâu lắm chẳng viết gì vì nhiều lẻ. Nhưng hôm nay cố gắng viết những dòng này để nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đã và sẽ còn nhiều đổi thay. Có thể đó là những điều tốt nhưng ít nhiều sẽ làm tôi nhớ về những tàn phai cũ kỹ sắp khép màn và nằm yên trong những ngăn xếp kỷ niệm. Những ký ức về những thánh lễ ngày xưa trong họ đạo Cái Mơn.